VĂN
HỌC PHẬT GIÁO LÀ
CON ÐƯỜNG
TRI THỨC VƯỢT THOÁT
Thích
Nguyên Siêu
Nền văn học Phật Giáo là phương tiện để con người lấy đó mà thâm nhập chủng tính Phật pháp rồi vượt thoát qua những gì bị trói buộc, giam hãm trong biển đời sinh tử trầm luân.
Nền văn học Phật Giáo đã giáo dục con người qua nhiều phạm trù trong đời sống, như nền văn học Thiền - dù yếu chỉ của Thiền bảo rằng: “Ngôn ngữ đạo đoạn. Tâm hành xứ diệt. Trực chỉ nhơn tâm. Kiến tánh thành Phật.” Con đường ngôn ngữ phải chấm dứt. Lằn vết của tâm đi được xóa bỏ. Chỉ thẳng vào lòng người. Thấy tánh mà thành Phật - là một nền văn học đồ sộ đã dẫn khởi con người thể nhập vào tự tánh giác ngộ của mình. Chư vị Thiền Sư đã sử dụng văn học Thiền như một công án để người tu Thiền gia tâm nghiên cứu mà đạt đạo.
I. Văn Học Thiền - Ðề Khởi Một Công Án
Hầu hết các Thiền Sư trao truyền tâm ấn hoặc thúc đẩy học trò của mình vào thế dồn nén tâm thức để bùng vỡ thế giới tâm linh đều sử dụng ngôn từ nghịch lý, hay hành động kỳ quái, nghịch thường. Nhờ ngôn ngữ nghịch thường, hành động nghịch thường mà người học trò hoát nhiên đạt ngộ. Như Thiền Sư Tử Dung dạy Tổ Liễu Quán bằng câu thoại đầu: “Vạn pháp quy nhứt, nhứt quy hà xứ.” Muôn pháp đều quy về một, vậy một quy về chỗ nào ? Tổ Liễu Quán đã trải qua bao nhiêu năm tháng để nghiên cứu, ngày đêm tỉnh thức suy ngẫm. Sự tham cứu này giống như gà ấp trứng, mèo rình chuột, nhất tâm chú ý không xao lãng, không chểnh mảng, lơ là. Sự tập trung tâm ý vào một điểm - nhất tâm, chính là điều kiện đánh bật vọng thức để tỉnh thức dấy khởi, đẩy lùi vọng tâm để tĩnh tâm được tựu thành.Câu thoại đầu hay một công án của nhà Thiền có thể làm cho người tu Thiền phải mất ăn, mất ngủ, lắm lúc quên cả chính mình. Như câu chuyện: Có một vị đạo sĩ tập trung tâm ý vào sự quán tưởng, tư duy về sự hình thành của vũ trụ vạn hữu, về sự hiện hữu của các thiên hà... mà quên mình đang đi trên đường, nên nhiều lần vị đạo sĩ đã bị sụp chân vào ổ gà. Từ sự sụp chân vào ổ gà trên đường ấy ông suy nghĩ tại sao dưới đôi chân không có con mắt để thấy đường đi. Từ sự suy tư này, vị đạo sĩ đã gia tâm, thành ý, nhất quyết tĩnh tâm quán chiếu nơi chân có đôi mắt, cho đến một hôm tâm thành, ý đạt vị đạo sĩ có được đôi mắt dưới chân, và kể từ đó vị đạo sĩ đi trên đường không còn bị sụp ổ gà nữa. Người thời ấy gọi vị đạo sĩ đó là “Túc Mục Tiên Nhơn” - ông tiên có mắt nơi chân.
Văn học Thiền là văn học nghịch thường không theo lẽ bình thường, người thường hay nói. Một nền văn học mang tính bất thường và vượt lên trên tất cả các nền văn học bình thường của người đời. Từ sự suy tư cho đến lời nói, từ cử chỉ sống hàng ngày cho đến các hành động việc làm cũng trái ngược. Có lẽ nền văn học Thiền dạy cho con người tập tư duy, quán chiếu mọi nếp sống con người thành nghịch thường, khác thường, để tâm thức con người không sống theo tập quán ngàn đời và xuôi theo dòng sinh tử, luân hồi, giờ phải đánh thức tâm linh để thấy được bản lai diện mục. Giá trị đánh thức của văn học Thiền là nghịch thường trên cái bình thường của thế nhân, nhằm in sâu vào tâm thức con người một dấu ấn để từ đó con người phá tung mọi thành trì cố hữu, mọi thói thường định kiến để vượt trên và vượt thoát. Như lời nói của Tổ Liễu Quán: “Thạch duẫn trừu điều trường nhứt trượng. Quy mao phất tử trọng tam cân.” - Búp măng trên đá dài một trượng. Phủ phất lông rùa nặng mấy cân. (Việt Nam Phật Giáo Sử Lược - TT Mật Thể, Tr. 203)
Theo thói thường và cái nhìn của con người xã hội thì làm sao có được mụt măng mọc trên đá dài một trượng và làm gì rùa có lông để lấy làm phất trần, nặng tới mấy cân. Ðây chính là chỗ u huyền của nền văn học Thiền đưa người đến sở ngộ.
Qua nhiều hình dạng đánh thức tâm tư hành giả bắt mình phải đối diện với chính mình để thấy được cội nguồn của bản giác, mà không phải lãng quên, vong thân của kiếp người sinh tử. Từ sự đánh thức, văn học Thiền đã dàn dựng qua bao sự nghịch lý, qua bao núi rừng trùng điệp, sông sâu, biển cả để cho hành giả khắc phục và vượt qua mà đạt đạo. Như hình ảnh một chiếc thuyền chèo lên non hoặc bốn vó ngựa chạy đua dưới biển là điều con người không thể tưởng tượng nổi, nhưng văn học Thiền thì không ít những hình ảnh này, để hâm nóng tâm trí hành giả trên con đường tìm cầu giác ngộ: “Cao cao sơn thượng hành thuyền. Thâm thâm hải để tẩu mã.” “Lung linh nước chảy qua đèo. Ngựa đua dưới biển thuyền chèo lên non” (sđd. Tr. 203) Những hình ảnh này in sâu vào tâm thức của hành giả như một công án được đề khởi trong mọi thời gian cho đến khi chín muồi như trái cây thì rơi rụng. Bóng tối của tâm được quét sạch. Những ước lệ của thế nhân chỉ là mộng. “Nhứt thiết hữu vi pháp như mộng, huyễn, bào, ảnh như lộ diệc như điển. Ứng tác như thị quán.” Tất cả các pháp hữu vi - pháp sanh diệt - giống như mộng huyễn, như sương mai, như ánh chớp chiều tà, như ráng nắng buổi hoàng hôn, tất cả đều không thật. Vậy thì ngựa có đua dưới biển hay trên đường đi, thuyền có chèo trên non hay trên mặt nước nó giống nhau đâu có khác gì. Ðích thực văn học Thiền đã xây dựng cho tâm thức hành giả bằng cái nhìn: “Chư pháp tùng duyên sinh. Diệt phục nhơn duyên diệt.” Các pháp do nhân duyên mà sinh, và cũng do từ nhân duyên mà diệt. Hành giả thấy được bản lai diện mục của mình như lời nói của Lục Tổ Huệ Năng:
“ Ðâu ngờ tự tánh vốn thanh tịnh
Ðâu ngờ tự tánh vốn chẳng sanh diệt
Ðâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ
Ðâu ngờ tự tánh vốn chẳng lay động
Ðâu ngờ tự tánh hay sanh vạn pháp.”
(Pháp Bảo Ðàn Kinh - Mai Hạnh Ðức. Tr. 20)
Một khi tự tánh vốn dĩ thanh tịnh, vốn chẳng sanh diệt... thì các pháp hiện bày trước mắt tự tánh của nó cũng thanh tịnh, tự tánh của nó cũng chẳng sanh diệt, ở đệ nhất sát na. nhưng sở dĩ các pháp có sanh có diệt, có thường có đoạn... là vì tâm sinh phân biệt - đệ nhị sát na nên các pháp trùng trùng dấy khởi thành thiên hình vạn trạng. Văn học Thiền đã mở một con đường tri thức vượt thoát.
“Lô Sơn yên tỏa chiết giang triều
Vị đáo sanh bình hận bất tiêu
Ðáo đắc hoàn lai vô biệt sự
Lô Sơn yên tỏa chiết giang triều”
Mù tỏa Lô Sơn sóng chiết giang
Khi chưa đến đó hận muôn vàn
Ðến rồi cũng chẳng có gì lạ
Mù tỏa Lô Sơn sóng chiết giang
Tri thức vượt thoát là cái hiểu biết vượt lên trên cái hiểu biết thường tình của con người. Cái hiểu biết như nhiên, tịch lặng. Như nhiên như bản thể của vũ trụ vạn hữu và tịch lặng như các pháp từ xưa đến giờ không hề có sinh có diệt, như bài kệ:
“Chư pháp tùng bổn lai
Thường tự tịch diệt tướng
Xuân đáo bách hoa khai
Hoàng oanh đề liễu thượng.”
Các pháp từ xưa nay
Tướng nó thường vắng lặng
Xuân về trăm hoa nở
Hoàng oanh hót trên cành
Như nhiên là vậy. Tịch lặng là vậy. Hay nói một cách khác, Thiền là vậy. Ðó là con đường tri thức vượt thoát được biểu hiện qua ngôn ngữ như lời nói của vị Thiền Sư: “Sãi tôi ba mươi năm trước chưa học đạo thì thấy núi là núi, thấy nước là nước, rồi sau nhờ nhân duyên các thiện trí thức hướng dẫn con đường học đạo thì thấy núi chẳng phải là núi, thấy nước chẳng phải là nước. Nhưng ba mươi năm sau tu tập, ăn rong rêu nơi ghềnh đá, uống nước lạnh nơi suối trong, tọa thiền dưới cội tùng già, tâm tư thong dong như mây như gió thì thấy núi là núi, thấy nước là nước.”
Văn học Thiền đã đưa hành giả thong dong đến con đường vượt thoát, như có vị Tăng hỏi Triệu Châu: “Thế nào là ý của Tổ Sư từ Tây Trúc qua?” Triệu Châu nói: “Cây tùng bách ngoài sân.” Ðề khởi một công án, một câu thoại đầu cho người tham cứu, để rồi vượt thoát qua phạm trù đối đãi, sai biệt.
II. Văn Học Bát Nhã - Tự Tánh Sự Vật Vốn Không.
Bằng trí tuệ - Bát Nhã chư vị Bồ Tát quán chiếu mọi sự vật được hình thành đều do duyên sinh thì chúng không có tự tánh tồn tại bởi chính nó. Ðây là cái nhìn thẩm thấu thực chất của sự vật. Ðạo Phật đã giáo dục con người có chánh tư duy, chánh kiến, chánh định, chánh tuệ... để nhìn đúng sự thật của sự vật, mà không lầm tưởng sợi dây là con rắn. Tự tánh sợi dây đã là vốn không huống nữa thấy sợi dây thành con rắn lại càng sai quấy hơn nữa. Như bài kệ:“Bạch nhật kiến thằng thằng thị ma
Dạ lý kiến thằng thằng thị xà
Ma thượng sanh thằng du trí loạn
Khởi kham thằng thượng cánh sanh xà”
Ban ngày thấy dây, dây là gai,
Ban đêm thấy dây, dây là rắn
Gai thấy thành dây là trí loạn
Huống nữa là thấy dây thành rắn
(thì cái trí loạn đến cỡ nào)
Như vậy đủ biết thực chất của sự vật vốn không, không thực thể, không tồn tại bởi chính nó. Từ đó, đạo Phật đã giáo dục con người bằng nhãn quan tinh tế, tỉnh giác, chánh niệm để quán chiếu thực thể của sự vật. Trong phạm trù này, Tổ của Trung Quán Luận - Màdyamaka-Sàstra, Ngài Long Thọ - Nàgàrjua - nói:
Chẳng sinh cũng chẳng diệt,
Chẳng thường cũng chẳng đoạn
Chẳng một cũng chẳng khác,
Chẳng đến cũng chẳng đi.
Nói lên được pháp nhân duyên ấy
Khéo diệt trừ các thứ lý luận
Tôi cúi đầu kính lễ Phật, đã thuyết
Nhân duyên cao nhất trong các thuyết.
(Trung Luận - HT Thiện Siêu. Tr. 9)
“Bồ Tát Long Thọ (Nàgàrjuna) làm luận để thuyết minh lý Trung Ðạo thật tướng bằng cách quán sát thật tướng trực tiếp các pháp, phân tích, so sánh, đối chiếu giữa các mặt của mỗi pháp để tìm ra thật tính của nó, cuối cùng chỉ thấy các pháp do nhân duyên mà hiện hữu, không pháp nào có thật tính...” (sđd)
Nhìn sự vật bên ngoài rồi quán chiếu tự thân mỗi người cũng đều không thật có. Vì tự thân con người không thật có nên tự thân con người nằm trên tiến trình của sự sinh, già, bệnh, chết. Chết là sự kết thúc của ba tướng trạng: sinh, già, bệnh. Như vậy tự thân của con người không có thật tính bởi chính nó. Ðiều này đã được nói rất rõ trong kinh Bát Nhã: “Khi (1) Bồ Tát Quán Tự Tại (Avalokitérsavara) thực hành Bát Nhã Ba La Mật sâu xa, soi thấy rằng, có năm Uẩn (Skandha) (2); và thấy năm Uẩn đó không có tự tánh trong chúng (3)” (Thiền Luận 3. Tuệ Sỹ, 1989. Tr. 327)
Vì tự thân con người không có thật tính bởi chính nó nên tự thân con người mãi luôn thay đổi, biến chuyển từ thuở chào đời cho đến ngày chết. Suốt một quá trình của cái gọi là cuộc sống đã cưu mang và hiện bày không biết bao nhiêu tướng trạng - (các tướng trạng ấy cũng không có thật tính). Như trong phần Bát Nhã và Như Huyễn, qua cuộc vấn đáp của Phật và Tu Bồ Ðề:
“Phật hỏi Tu Bồ Ðề: Này Tu Bồ Ðề, ý ông nghĩ sao, Huyễn (Màyà) khác với Sắc (Rùpam) (1), Sắc khác với Huyễn? Lại nữa, ý ông nghĩ sao, Huyễn khác với Thọ (Vedanà), Tưởng (Samjnà), Hành (Samskàra) và Thức (Vijnàna) ? và Thọ, Tưởng, Hành, Thức khác với Huyễn ?
“Tu Bồ Ðề thưa: Bạch Ðức Thế Tôn, chúng không khác. Nếu Sắc khác Huyễn, Sắc không phải là Sắc, nếu Huyễn khác với Sắc, Huyễn không phải là Huyễn. Huyễn là Sắc và Sắc là Huyễn. Thọ, Tưởng, Hành và Thức cũng vậy.” (Thiền luận 3. Tuệ Sỹ , 1989. Tr. 398)
Văn học Bát Nhã đã khai triển nguồn tri thức diệu dụng để con người không đắm chìm trong thế giới hữu vi, bọt bèo trôi nổi. Chính nguồn tri thức diệu dụng này đã là phương tiện cho bao nhiêu người, hành giả thể đạt sở tu mà thành thánh giả. Văn học Bát Nhã cũng cho con người một cái nhìn tích cực vào sự vật muôn màu, muôn vẻ, thiên lưu, chuyển biến. Chính thể trạng thiên lưu, chuyển biến của vạn hữu mà trí tuệ - Bát Nhã đã chuyển mê khai ngộ, chuyển phàm thành thánh, nhưng không câu chấp - nhơn ngã câu không - để vượt thoát. Bằng cái nhìn tích cực và xây dựng đó, văn học Bát Nhã giữ một vai trò quan trọng trên con đường giác ngộ giải thoát.
Ðể không bị dính mắc trong cái tôi, hay ngã chấp mà thường tình con người luôn sống với cái tôi, hay chấp ngã ấy, văn học Bát Nhã đã phá tung tất cả mọi ràng buộc cố hữu của con người, và mở ra cho con người một chân trời hạo nhiên, như thái. Nơi đây, mọi thứ mang tính sai biệt, đối đãi, không còn, mọi hình thái chủ quan, vọng chấp cũng mất, chỉ thuần một thế giới chân như, một khung trời tịch tĩnh. Văn tự Bát Nhã cũng bặt dứt, nhưng vì biểu hiện tự tánh của vạn hữu mà phải dùng phương tiện Bát Nhã để diễn đạt một thứ ngôn ngữ như là: “Thật tế lý địa bất thọ nhất trần. Phương tiện môn trung bất xã nhất pháp.” Như bài kệ của Vĩnh Gia Huyền Giác trong Chứng Ðạo Ca:
“Liễu liễu kiến vô nhất vật
Diệc vô nhân diệc vô Phật
Ðại thiên thế giới hải trung âu
Nhất thiết Thánh Hiền như điện phất”
“Thấy tỏ rõ ! Chẳng có gì !
Không người ta cũng không Phật
Ðại thiên thế giới như cánh bèo trên đại dương
Hết thảy Thánh Hiền như điện chớp”
(sđd. Tr. 435)
III. Văn Học Hoa Nghiêm - Một Thế Giới Quan Trùng Trùng Vô Tận
Một tức là tất cả. Tất cả tức là một. Ðây là lời nói nội hàm toàn triệt sự sự vật vật, dung thông vô ngại, sự hình thành vũ trụ vạn hữu, sự hiện hữu vạn vật, thiên nhiên do các nhơn duyên, tương dung, tương nhiếp. Từ đó, chiêm nghiệm để thấy một vũ trụ quan của Phật Giáo hình thái như những mắt lưới có sự liên đới chặt chẽ, thích hợp. Từ thế giới này liên quan đến thế giới khác. Từ cảnh Phật này liên quan đến cảnh Phật khác trùng trùng giao thoa vô tận.Một quốc độ của Phật đến vô lượng quốc độ của chư Phật đều chan hòa trong bốn pháp giới:
- Lý vô ngại pháp giới
- Sự vô ngại pháp giới
- Lý Sự vô ngại pháp giới
- Sự Sự vô ngại pháp giới.
“Lý” tức là chân lý thật tánh, là thể tánh chân thật của tất cả các pháp. Tất cả các pháp trong vũ trụ đều đồng nhất một thể tánh chân thật ấy. Thể tánh ấy dung thông vô ngại, nên gọi là lý vô ngại pháp giới.”
“Tất cả pháp, “Sự” đều đồng một thể tánh chân thật tức là đồng lấy pháp tánh làm tự thể. Toàn thể “Sự” là pháp tánh mà pháp tánh đã viên dung vô ngại, thời toàn “Sự” cũng vô ngại, nên gọi là “Sự vô ngại pháp giới”
“Lý là thể tánh của “Sự” (tất cả pháp”. “Sự” là hiện tượng của “Lý tánh”. Vậy thời lý tánh là lý tánh của Sự, còn Sự lại là Sự tướng của lý tánh. Chính lý tánh là toàn sự mà tất cả Sự là toàn lý tánh, nên gọi là “Lý Sự vô ngại pháp giới”
“Tất cả Sự đã toàn đồng một thể tánh mà thể tánh thời dung thông không phân chia riêng khác, nên bất luận là một Sự nào cũng đều dung nhiếp tất cả Sự, và cũng đều tức là tất cả Sự, một sự nhiếp và tức tất cả Sự, tất cả Sự nhiếp và tức một Sự. Thế là Sự Sự vô ngại tự tại, nên gọi là “Sự Sự vô ngại pháp giới” (Kinh Hoa Nghiêm Tập I. HT Trí Tịnh. Tr. 8)
Văn Học Hoa Nghiêm đã tạo dựng một thế giới quan giữa người với người, giữa sự vật với sự vật thật gần gũi với nhau. Sự sống của mình tức là sự sống của người. Sự sống của đất cát, cây cỏ, sỏi đá... tức là sự sống của con người và ngược lại. Do vậy mà lòng Từ Bi của đạo Phật được trang trải khắp mọi thời, mọi chốn, mọi pháp giới chúng sinh. Môi trường sống của vạn sự, vạn vật, ánh nắng mặt trời nuôi sống con người thì cũng có nghĩa là nuôi sống tất cả các loài hữu tình, vô tình - đều trọn thành Phật đạo. Chung quanh cuộc sống của xã hội loài người, đã có không biết bao nhiêu cuộc sống của môi sinh, đất nước, núi rừng, biển cả, cây trái phụng sự cho xã hội con người một đời sống lành mạnh, thơ mộng nhiều ý nghĩa.
Thế giới của không khí đã cho không khí mọi loài hít thở để sống. Thế giới của ánh nắng mặt trời đã cho hơi ấm và ánh sáng để mọi người được sống mạnh khỏe, được nhìn thấy nhau mà tạo dựng đời sống hạnh phúc, bình an. Thế giới của cây xanh đã cho nhiều dưỡng tố. Thế giới của trái ngọt đã cho nhiều sự tươi tắn trong lòng. Thế giới của nước đã cho muôn loài nhuần thắm, thanh lương và tất cả thiên hà tinh tú đều có ảnh hưởng đến thế giới loài người, và cũng vậy, thế giới loài người cũng liên quan mật thiết đến thiên hà, tinh tú.
Thực tế trong cuộc sống này, chẳng ai có thể tạo dựng cho riêng mình một thế giới sống độc lập mà không có sự tương dung, tương tác. Ðời sống của một cá nhân tức là đời sống của tất cả. Trong ý nghĩa này, Bồ Tát Duy Ma Cật đã thị hiện bịnh: “Bồ Tát bịnh vì chúng sinh bịnh. Chúng sinh hết bịnh thì Bồ Tát hết bịnh.” Lòng Từ Bi của đạo Phật, vũ trụ quan của đạo Phật là như thế.
Văn Học Hoa Nghiêm đã nối thế giới của tự thân vào thế giới của tha nhân, sum la vạn tượng. Từ đó con người có bổn phận trách nhiệm với nhau trong xã hội này, trên tinh thần xây dựng, bảo vệ và thăng hoa. Ðạo Phật đã tích cực xây dựng một vũ trụ quan đẹp để có một nhân sinh quan đẹp giữa người và đại thể vũ trụ. Như tâm nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền trong Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập Pháp Giới: “Trong số cực vi khắp hư không pháp giới mười phương ba đời tất cả cõi Phật. Mỗi cực vi đều có cõi Phật rộng lớn nhiều như số cực vi trong bất khả thuyết, bất khả thuyết cõi Phật. Mỗi cõi trong một niệm đều có tất cả chư Phật thành đẳng chánh giác số đông như số cực vi trong bất khả thuyết bất khả thuyết cõi Phật...” (sđd, tr. 2252)
Văn học Hoa Nghiêm đã cho người học Phật một cái nhìn thấu triệt từ thế giới này sang thế giới khác, không ngăn ngại. Một thế giới tức là vô lượng thế giới, vô lượng thế giới tức là một thế giới. Nếu không có văn học Hoa Nghiêm hiển bày thế giới quan của Phật Giáo thì người đời thường cho rằng, chỉ có một thế giới - quả địa cầu, duy nhất của loài người đang sống mà thôi, ngoài quả địa cầu này không có một thế giới nào khác hơn nữa. Nhưng cho đến hôm nay - Thế Kỷ 21, văn minh tiến bộ, khoa học kỹ thuật của loài người đã khám phá ra thế giới của mặt trăng, thế giới của hỏa tinh... như vậy, ngoài thế giới của trái đất này còn có nhiều thế giới khác nữa. Qua cái nhìn của đạo Phật - nền văn học Hoa Nghiêm đã xây dựng một vũ trụ quan tương dung, tương tác, trong vô tận thế giới. Ngoài thế giới của loài người con có thế giới của chư Thiên, A Tu La, địa ngục, ngạ quỷ, bàng sanh... thế giới hữu tình, thế giới vô tình... không nói hết. Trật tự xã hội con người có đủ mọi thứ, từ sự ăn lông ở lỗ, thô sơ mộc mạc, lam lũ chân tay cho đến sự văn minh, tân tiến để thăng hoa đời sống vật chất cho đến tinh thần, tâm linh huyền diệu. Song song với đời sống xã hội con người thì thế giới của loài vật cũng có nhiều vô số kể. Thế giới của các loài vật - cá, cua, tôm, ốc... sống dưới lòng đại dương, ao, hồ, sông rạch... thế giới của các loài đi bằng chân, bò bằng bụng... sống trên mặt đất, thế giới của các loài vi khuẩn, vi trùng nhỏ nhiệm... sống trong không gian, trong môi trường của các sinh thể... Tất cả những đời sống của thế giới hữu tình vô tình ấy đều có sự liên quan mật thiết đến con người. Ngoài thế giới của loài hữu tình còn nhiều thế giới mà thường gọi là vô tình, mà thật ra chẳng vô tình chút nào, như cỏ, cây, sỏi, đá... như mây, mưa, không khí, ánh sáng mặt trời, ánh sáng mặt trăng và các tinh tú khác, đã cho sức sống đến thế giới loài người nhiều vô kể. Từ đây, văn học Hoa Nghiêm đã thực sự liễu giải để cho con người có kiến văn tu tập, có hàm lượng chứng đắc qua một vũ trụ quan của đạo Phật trùng trùng vô tận.
IV. Văn Học Pháp Hoa: Thọ Ký con Người Thành Phật
Phẩm Phương tiện thứ hai trong bộ Kinh Pháp Hoa, Ðức Phật dạy: “Xá Lợi Phất ! Sao nói rằng các Ðức Phật Thế Tôn chỉ do một nhân duyên lớn mà hiện ra nơi đời ? Các Ðức Phật Thế Tôn vì muốn cho chúng sinh khai tri kiến Phật để được thanh tịnh mà hiện ra nơi đời; vì muốn chỉ tri kiến Phật cho chúng sinh mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sinh tỏ ngộ tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sinh chứng vào đạo tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời.” (Kinh Pháp Hoa, Phẩm Thứ 2, HT Trí Tịnh, tr. 74)Ðức Phật vì hạnh nguyện, vì thương tưởng, vì lòng Từ Bi cứu độ chúng sinh mà thị hiện nơi đời. Ðây là một nhân duyên lớn. Sự cứu độ ấy qua 4 phạm trù:
- Mở bày Tri Kiến Phật - Khai.
- Chỉ thấy Tri Kiến Phật - Thị.
- Tỏ rõ Tri Kiến Phật - Ngộ.
- Chứng vào đạo Tri Kiến Phật - Nhập.
Như vậy, văn học Pháp Hoa đã cho thấy Ðức Phật thị hiện nơi đời là vì con người, cho con người và của con người. Bằng mọi phương tiện thiện xảo, Ðức Phật mở bày chỉ vẽ, dẫn dụ làm hiển lộ Tri Kiến Phật. Làm cho Tri Kiến Phật không còn bị che mờ bởi mây vô minh, phiền não, si mê phủ lấp. Ðây là nhân tố thứ nhất mà trước tiên con người phải có, phải thể đạt một cách vẹn toàn. Bằng sự mở bày Tri Kiến Phật mà Ðức Thế Tôn thuyết pháp 49 năm hóa độ. Khi thì Ðức Thế Tôn giảng dạy:
Ðây là Khổ các con phải biết
Ðây là Tập các con phải đoạn
Ðây là Diệt các con phải chứng
Ðây là Ðạo các con phải tu.
Hoặc:
Chớ làm các việc ác
Nguyện làm các việc lành
Giữ tâm ý trong sạch
Là lời chư Phật dạy.
Bằng mọi phương tiện, Ðức Thế Tôn mở bày Tri Kiến Phật, để đến nhân tố thứ hai là chỉ cho thấy cái Tri Kiến ấy. Mở bày Tri Kiến Phật để rồi chỉ cho chúng sinh thấy Tri Kiến Phật, đây là việc làm của Ðức Phật. Còn hai yếu tố thứ ba và thứ tư là của chúng sinh, ấy là tỏ rõ Tri Kiến Phật - Ngộ và chứng vào đạo Tri Kiến Phật - Nhập. Có Ngộ và Nhập được hay không là do ở sự tu tập của chúng sinh. Nhưng sự tu tập này để cho chúng sinh được Ngộ và Nhập, Ðức Phật vẫn tiếp tục hướng dẫn, giáo hóa để cho chúng sinh nương theo ấy mà hành trì rồi chứng đắc: Ngộ, Nhập. Như Ðức Phật dạy con người: “Như tiêu chỉ nguyệt” - nương ngón tay để thấy mặt trăng. Cũng vậy, nương giáo pháp tu học để đến bến bờ giác ngộ - Giáo pháp như chiếc bè đưa người qua sông. Ðức Phật luôn hướng tâm chúng sinh đến bờ giác ngộ, luôn dạy dỗ chúng sinh để tâm được tỉnh giác, thanh tịnh:
“Tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu ai nói hay làm với một tâm thiện, thì hạnh phúc sẽ theo sau như bóng theo hình”....
Hay:
“Chư hành vô thường
Thị sanh diệt pháp
Sanh diệt diệt dĩ
Tịch diệt vi lạc”
Các hành là vô thường
Là pháp sanh diệt
Sanh diệt diệt rồi
Tịch diệt an vui.
Là người Phật tử, tất cả đều nghe lời Phật dạy: “Nhứt thiết chúng sinh giai hữu Phật tánh.” - tất cả chúng sinh đều có tánh làm Phật. Hoặc: “Ta là Phật đã thành, các con là Phật sẽ thành.” Từ đây nền văn học Pháp Hoa đã đi vào cụ thể, hiển bày sự thành Phật của từng mỗi cá nhân.
“Ông Ma Ha Ca Diếp, đệ tử của Ta, ở đời vị lai sẽ phụng thờ ba trăm muôn ức các Ðức Thế Tôn, cúng dường cung kính tôn trọng ngợi khen, rộng nói vô lượng đại pháp của các Ðức Phật, ở nơi thân rốt sau được thành Phật hiệu là Quang Minh Như Lai... Nước tên là Quang Ðức, kiếp tên là Ðại Trang Nghiêm. Phật thọ 12 tiểu kiếp. Chánh pháp trụ thế hai mươi tiểu kiếp... Bồ Tát trong nước đó đông vô lượng nghìn ức, các chúng thanh văn cũng lại vô số...” (sđd, tr. 220)
Cũng vậy Tôn Giả Xá Lợi Phất, Tôn Giả Ðại Ca Chiên Diên, Tôn Giả A Nan, Tôn Giả La Hầu La... cho đến Tỳ Kheo Ni Gia Du Ðà la: “Ở đời sau trong pháp hội của trăm nghìn muôn ức Phật, tu hạnh Bồ Tát, làm vị đại pháp sư, lần lần đầy đủ Phật đạo trong cõi thiện quốc sẽ được thành Phật hiệu là Cụ Túc Thiên, Vạn Quang Tướng Như Lai...” (sđd, tr. 375). Cho đến Long Nữ 8 tuổi thành Phật, hoặc nhờ Ðề Bà Ðạt Ða trong tiền kiếp mà Ðức Thế Tôn thành Phật sớm hơn v.v... Tất cả những lời thọ ký, những con người thành Phật, trong Kinh Pháp Hoa nói rất rõ.
Như vậy, văn học Pháp Hoa là nếp sống đẹp, là dẫn khởi con đường tiến lên bậc Thánh. Là con đường thể nhập Nhất Thừa Ðạo. Ðây chính là một tinh thần khích lệ, tự tin để vượt thoát cho mỗi con người, chúng sinh trong cuộc sống này. Con người tự tin rằng chính mình có khả năng tu tập thành Phật. Chính mình có những đức tính, chất liệu nhân tố để thành Phật thì tất cả đều hăng hái, tinh cần, mà tiến bước trên con đường giác ngộ, giải thoát mà không ái ngại, chần chờ hay lo âu, nghi ngại. Ðây chính là tinh thần tích cực của đạo Phật, xây dựng một đời sống thánh thiện. Một đời sống tâm linh cao cả. Một đời sống giác ngộ. Một đời sống Phật.
V. Văn Học Pháp Cú: Ðánh Thức Bởi Chính Mình
Kinh Pháp Cú là những bài kệ nhỏ, tùy nhân duyên, hoàn cảnh mà Ðức Phật thuyết giảng. Nội dung của Kinh là đánh thức con người tỉnh giác, để nhìn lại, quán chiếu tâm tư để thấy tâm trong sạch hay ô nhiễm, thân thanh cao hay thô lậu, miệng từ hòa hay vô độ, từ đó mà tu sửa trở thành người tốt trong nhân quần xã hội, trong cộng đồng người trên thế gian. Những bài kệ của Kinh dạy như là:“Nó nhục mạ ta,
Hành hung, đánh bại,
Và tước đoạt ta.”
Lòng ai ôm giữ,
Niềm oán hận ấy,
Thì sự hận thù,
Không thể nguôi ngoai.”
“Nó nhục mạ ta,
Hành hung, đánh bại,
Và tước đoạt ta.”
Ai không ôm giữ,
Niềm oán hận ấy,
Thì sự hận thù,
Tự nhiên lắng xuống.”
(Pháp Cú 4 & 5. Pháp Cú Nam Tông. Tr. 005. 2545. Trí Quang biên tập)
Thói thường, ai đánh mình một cái thì mình đánh trả một cái. Ai chửi mình một lời, mình chửi lại một lời... Nhưng nơi đây, văn học Pháp Cú đã dạy cho con người biết nhẫn nhục và không ôm lòng hận thù. Sự nhẫn nhục này nằm trong khuôn thước của Từ Bi, Trí Tuệ chứ không phải vì yếu đuối, sợ hãi.
Khuôn thước của Từ Bi, Trí Tuệ dạy cho con người biết ban vui cứu khổ, biết nhường cái hậu, nhận cái bạc, biết thương người như thương thân mà xây dựng cuộc sống nhiều ý nghĩa và giá trị chân thật. Khuôn thước Trí Tuệ để quán chiếu sự thù hận là tiến trình nhân quả không tốt, là sợi dây oan nghiệt trói buộc lẫn nhau. Do vậy, hận thù cần phải mở chứ không nên buộc. Càng buộc, càng hận thù thì khó có thể tu tập và vượt thoát.
Tình thương là chất liệu cần có cho cuộc sống giữa người với người, giữa sự vật với sự vật, giữa chúng sinh với chúng sinh. Dù con người sống trong thời gian nào, quá khứ, hiện tại hay tương lai cũng cần chất liệu tình thương để hít thở, để sống. Do vậy, văn học Pháp Cú đã hiện thân giữa đời ác nhiều hơn thiện, giữa cái chấp ngã nhiều hơn cái vô ngã, giữa cái vô minh nhiều hơn cái minh, giữa cái tham, sân, si nhiều hơn cái vô tham, vô sân, vô si để hóa độ, dìu dắt con người mà vượt thoát, như bài kệ sau đây:
“Tâm thì thác loạn,
Khó mà phòng vệ,
Nên người có trí
Thì lo thuần hóa
Tâm mình cho thẳng
Như thợ làm tên
Tên uốn cho ngay.”
(Pháp Cú 34 - Sđd, tr. 16)
Ðể tự đánh thức mình, văn học Pháp Cú còn khẳng định rằng:
“Chiến thắng triệu người
Tại bãi chiến trường
Cũng vẫn không bằng
Chiến thắng bản thân.
Chiến thắng bản thân
Mới là chiến công
Trội hơn tất cả.”
(Pháp Cú 104 - Sđd, tr. 052)
Tam Tạng Kinh, Luật, Luận của đạo Phật là một văn khố hàm dụng con đường tu tập giải thoát cho con người. Nếu ai biết dụng công và thừa tự thì chính văn khố ấy có đủ hương vị giải thoát.
Một cách khái lược, trình bày và trích dẫn một số đoạn Kinh để người đọc có cái nhìn thẩm thấu rằng văn học Phật Giáo quả thật là con đường Tri thức vượt thoát. Văn học Phật Giáo hoàn toàn không hệ lụy với màu sắc trần gian mà vượt cao và bay xa đến tận chân trời giải thoát.
Hơn 2500 năm qua, Ðức Phật đã dạy rằng: “Những điều mà Ðức Phật chứng ngộ thì nhiều như lá trong rừng, còn những điều Ðức Phật giảng dạy lại cho con người ít như nắm lá trong bàn tay.” Những điều giảng dạy ít như thế, nhưng vô cùng quý báu, có giá trị siêu thoát thời gian, không gian. Chỉ cần nếm được một giọt nước giải thoát, cũng làm cho con người trở nên thánh thiện. Chỉ cần sanh tâm thanh tịnh thì cũng siêu xuất ba cõi.
Nền văn học Phật Giáo: Tam vô lậu học - Giới, Ðịnh, Tuệ là phương tiện duy nhất để vượt thoát bến mê sinh tử, là bản đồ dẫn đường để chuyển mê khai ngộ, chuyển phàm thành Thánh, hay một cách bình thường của cuộc sống là chất liệu dinh dưỡng cho con người một phong thái tự tại, an lạc giữa cuộc đời này. Phong thái ấy là cốt lõi của sự tự tri, tự giác; là nhân sinh quan đẹp của một kiếp người.
Ðồi Pháp Vương
Mùa Ðông Kỷ Sửu - 2009